Đồng NaiXét nghiệm bệnh phẩm của bé gái 14 tuổi ghi nhận nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore – được mệnh danh vi khuẩn “ăn thịt người”.
Kết quả xét nghiệm được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM thực hiện. Đây là ca Whitmore đầu tiên được ghi nhận ở tỉnh Đồng Nai. Lực lượng chức năng đã phun khử khuẩn nhà bệnh nhân, lập danh sách những người tiếp xúc gần để theo dõi sức khỏe.
Đầu tháng 8, bé nổi hạch vùng cổ, được chẩn đoán viêm hạch, uống thuốc không bớt. Ngày 22/8, bé bị áp xe phần mềm vùng cổ bên phải, vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để mổ lấy hạch, một tuần sau có kết quả xét nghiệm từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Đại diện Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho rằng bé nhiễm vi khuẩn ở ngoài cộng đồng. Được điều trị bằng kháng sinh, hiện tại sức khỏe của bệnh nhân cơ bản ổn song vẫn phải theo dõi sát và điều trị theo phác đồ nên khả năng vài tuần nữa mới được xuất viện.
Theo người nhà, trước khi phát hiện bệnh, bé chỉ ở nhà và địa phương chứ không đi xa. Những người thân trong gia đình và bạn cùng lớp cũng như những người xung quanh chưa ai có triệu chứng gì.
Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Vi khuẩn gây bệnh thường sống trong đất. Đường lây nhiễm chính là các vết trầy xước trên da tiếp xúc đất, nước có vi khuẩn; hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn nên được mệnh danh là vi khuẩn “ăn thịt người”.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh này. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động chống bệnh Whitmore bằng cách ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, ở những nơi ô nhiễm nặng, khi cần tiếp xúc cần sử dụng đồ bảo hộ ví dụ găng tay, ủng… Không nên tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại hoặc gần nơi bị ô nhiễm.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, hãy sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, suy giảm miễn dịch… cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần vào viện để khám, điều trị kịp thời.
Phước Tuấn
Tham khảo từ https://vnexpress.net/be-gai-14-tuoi-nhiem-vi-khuan-an-thit-nguoi-4788386.html
Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Thông tin được cung cấp chỉ mang tính chất thông tin chung, https://lacongnghe.com không đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc bảo đảm nào liên quan đến thông tin, bao gồm nhưng không giới hạn bất kỳ sự tuyên bố hoặc bảo đảm về tính thích hợp cho bất kỳ mục đích cụ thể nào của thông tin theo phạm vi cho phép tối đa của pháp luật. Mặc dù đã nỗ lực để đảm bảo rằng thông tin được cung cấp trong bài viết này là chính xác, đáng tin cậy và hoàn chỉnh vào thời điểm đăng tải, nhưng thông tin được cung cấp trong bài viết này không nên được dựa vào để đưa ra bất kỳ quyết định tài chính, đầu tư, bất động sản, giao dịch hoặc pháp lý nào. Thêm vào đó, thông tin không thể thay thế lời khuyên từ một chuyên gia được đào tạo, người mà có thể xem xét, đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh cá nhân của bạn, và chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu bạn sử dụng những thông tin này để đưa ra quyết định. Xin cảm ơn!